Kinh nghiệm cho người mới học tiếng Nhật
Bắt đầu một ngôn ngữ mới, có lẽ không bao giờ là đơn giản. Phần đông mọi người đều cho rằng, học ngoại ngữ đã khó, mà nhất là học tiếng Nhật lại càng khó hơn. Điều này mình không thể phủ nhận vì Nhật Bản là một đất nước có bề dày văn hóa, và điều ấy cũng được thể hiện khá rõ qua ngôn ngữ của họ, sự khác biệt giữa các văn phong giao tiếp, một khối lượng kanji đồ sộ v.v.v.
1. Phát âm
– Không cứ gì tiếng Nhật mà bất cứ với ngôn ngữ nào, mảng phát âm cũng vô cùng quan trọng. Vì thế, ngay khi bắt đầu học, các bạn hãy cố gắng luyện tập để có thể phát âm sao cho chuẩn nhất. Trong tiếng Nhật có một số âm khó như つ(tsu), や(ya), ゆ(yu), よ (yo)…
– Để luyện nói, khi mới bắt đầu nên vận dụng mẫu câu để nói và nói đi nói lại nhiều lần câu đó. Bắt đầu từ câu ngắn đến câu dài. Trong khi luyện nghe các bạn không chỉ ngồi nghe không thôi mà phải kết hợp cả luyện nói. Như vậy sẽ có hiệu quả. Nghe hết cả đoạn và tóm tắt lại nội dung mình nghe được theo ý hiểu bằng những ngữ pháp đã học. Các bạn có thể học tiếng Nhật thông qua bài hát. Vừa giúp thư giãn vừa có thể nhớ từ dễ dàng.
– Các bạn có thể nghe đĩa hoặc nhờ người Nhật hoặc giáo viên nói để mình sửa nếu cảm thấy khó khăn với các âm này, đừng chỉ phát âm qua loa cho xong. Điều này sẽ rất dễ ảnh hưởng đến quá trình học sau này của các bạn. Đừng để nó đã thành thói quen thì sẽ khó sửa hơn. Bên cạnh đó, hãy chú tâm đọc đúng độ dài Trường âm (âm dài) cũng như là âm ghép, âm ngắt trong tiếng Nhật. Điều này rất có lợi khi các bạn thuộc từ mới, sẽ không phải vắt óc ra nghĩ xem từ này kéo dài ở đâu, âm đơn hay âm ghép.
2. Học bảng chữ cái
Khi mới bắt đầu làm quen với tiếng Nhật mà đã phải học 2 cả bảng chữ cái với số lượng chữ lên đến hàng trăm chữ, có lẽ ai cũng sẽ cảm thấy dễ nản và khó khăn. Càng như vậy thì chúng ta càng không nên tự ép mình học quá máy móc. Hãy để cho chữ “tự vào đầu mình” một cách thật tự nhiên bằng vài mẹo nhỏ như sau:
– Hãy viết các chữ cái lên các mảnh giấy nhỏ và dán quanh nhà bạn. Ở vị trí mà các bạn hay nhìn thấy, có thể dính cả bảng chữ cái lên đó để thi thoảng chúng ta có thể nhìn qua một chút. – Hãy liên tưởng càng nhiều càng tốt, điều ấy sẽ giúp chúng ta nhớ nhanh và lâu hơn. VD: chữ くgiống dấu nhỏ hơn, chữ へgiống ngọn núi, chữ けgiống thanh kiếm…
– Chơi các trò chơi liên quan đến bảng chữ cái, VD: nối từ, ghép từ, tìm chữ, bingo… Các bạn có thể tìm thấy trên mạng hoặc trong các quyển sách cơ bản và rủ bạn mình cùng chơi.
– Viết ra các chữ giống giống nhau để phân biệt và chú ý kĩ để chúng ta không bị nhầm lẫn giữa các chữ. VD: はvà ほvàc ま, ソvà ン, シ và ツ… – Viết đúng thứ tự nét ngay từ đầu. Quy tắc viết trong tiếng Nhật có thể khái quát ở 3 ý sau: Từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, vào nhà đóng cửa. Điều này cũng sẽ rất có ích cho sau này khi các bạn học và tra chữ Hán.
3. Học từ mới
Với những người mới học, từ mới trong tiếng Nhật (cũng như là các câu chào hỏi đơn giản) rất dễ nhầm lẫn, kết hợp với việc các bạn chưa nhớ kĩ bảng chữ cái mà nói thì có lẽ là một cơn ác mộng. Vậy sao chúng ta không thử áp dụng các phương pháp học từ mới sáng tạo hơn, thay vì kiểu truyền thống như cũ? Mình có một vài cách nho nhỏ chia sẻ cho các bạn:
– Flash card: Là một dạng thẻ từ mới (Một mặt là tiếng Nhật, một mặt là nghĩa), rất tiện dụng, có thể bỏ túi áo túi quần, lúc nào rảnh thì bỏ ra ôn một lượt. Các bạn có thể viết tay hoặc đánh máy rồi in ra cũng được.
– Giấy note: Một trong những công dụng điển hình của giấy note, bên cạnh việc nhắc nhở công việc, đó chính là để học từ mới vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, các bạn nên hạn chế việc viết cả tập dày, vì chỉ riêng việc lật lên để học cũng dễ khiến chúng ta cảm thấy sớm nản. Thử dán giấy note lên những vị trí mà bạn có thể dễ dàng nhìn thấy xem sao. Như vậy mỗi lần nhìn thấy là mỗi lần ôn lại.
– Các bạn chú ý khi học từ mới bạn nên vừa viết và vừa vừa đọc thành tiếng, như vậy sẽ nhớ rất nhanh. Nhưng bạn phải phát âm cho chuẩn theo người Nhật hoặc theo băng đài. Đây là điều quan trọng cho các bạn luyện nghe sau này. Phát âm chuẩn sẽ nghe tốt. Phát âm sai thì sẽ viết sai, khi nói người Nhật sẽ không thể hiểu được.
Như vậy, khi học tiếng Nhật không phải đơn thuần bạn chỉ học tách các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mà phải biết kết hợp tất cả các kỹ năng đó. Ví dụ như khi học từ vựng các bạn có thể hết hợp kỹ năng viết và kỹ năng nói, khi luyện nghe kết hợp với kỹ năng nói.
Vạn sự khởi đầu nan, với những kinh nghiệm học tiếng Nhật nho nhỏ trên mà mình đã chia sẻ, mình chúc các bạn sẽ thành công trong công cuộc chinh phục tiếng Nhật của bạn nhé!
Kinh nghiệm cho người mới học tiếng Nhật
Reviewed by Unknown
on
5:56 AM
Rating:
No comments: